Lưu WAP | Gửi SMS |
Thức dậy sớm: Vì sao teens thường ''mèo lười''?
Dậy sớm buổi sáng với nhiều teens là một nhiệm vụ “bất khả thi” và nhiều khi điều này khiến cho các bạn ấy trở thành những “chuyên gia” đi học muộn. Vậy “lỗi” tại ai nhỉ?
“Tớ ghét dậy sớm”
Đó là câu than thở của nhiều bạn mỗi khi phải đến lớp sớm vào buổi sáng. Việc dậy sớm để đi học với nhiều bạn trở nên “quá sức” khiến cho mỗi khi phải học sáng bạn nào cũng kêu than mệt mỏi, buồn ngủ.
Thu (15t-TĐ) tâm sự: “ Mình đã cố gắng hết sức để dậy sớm nhưng mắt cứ díp lại. Đặt chuông báo thức cũng không ăn thua. Chuông kêu là mình lại tắt đi liền. Cứ cố gắng nằm nán thêm 1 phút rồi lại 1 phút nữa. Thành ra sáng nào mình cũng phải vội vội vàng vàng.”
Đồng cảnh ngộ với Thu, Huy (16t-HBT) nói: “Năm ngoái lớp mình học chiều, năm nay đổi thành học sáng nên mình mãi vẫn chưa quen được. Buổi sáng lớp mình nhiều bạn đi học muộn lắm.”
Không hay đi học muộn 2 bạn kể trên, sáng nào Dương (15t-TP) cũng phải lấy hết sức “bình sinh” để vùng dậy. Không bị thầy cô phàn nàn nhiều về chuyện đi học muộn nhưng sáng đến lớp Dương rất hay bị “gà gật” vì buồn ngủ, khiến cho việc tiếp thu bài giảng cũng bị giảm đi nhiều. Cứ được nghỉ giữa các tiết là Dương lại chạy đi rửa mặt để “át” những cơn buồn ngủ lúc nào cũng chực “ập” đến.
Dậy sớm: sao lại khó khăn thế?
Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thay đổi hormone trong cơ thể giai đoạn dậy thì khiến cho teens khoái “ngủ nướng” và rất vất vả trong việc dậy sớm. Đồng hồ sinh học của cơ thể teens hoạt động “lệch nhịp” so với lứa tuổi khác tầm 1 giờ đồng hồ đấy.
Việc thức khuya cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho teens khó dậy sớm. Ngoài những lí do do teens “mải chơi” mà quên đi ngủ thì việc thức khuya cũng có một phần lỗi của “anh bạn” hormone có tên là melatonin.
Hầu hết cơ thể người lớn sản xuất melatonin vào khoảng 10 giờ tối, còn khi teens hăng say học bài thì melatonin lại được sản xuất vào lúc 1 giờ sáng. Đó chính là lí do khiến cho nhiều bạn cứ trằn trọc, băn khoăn mãi chẳng ngủ nổi.
Mặt khác, hormone dậy thì dâng lên có thể kiềm chế melatonin lại khiến cho teens càng thức khuya hơn và lại càng khó dậy sớm hơn.
Làm gì để “khò khò” ngon?
Tuy rằng sự biến đổi của hormone ở lứa tuổi dậy thì đã góp phần không nhỏ khiến cho teens thức khuya nhưng khó dậy sớm thì chúng mình vẫn không thể đổ lỗi hoàn toàn cho “anh bạn” này được. Để dậy sớm được trước hết teens cần phải có một giấc ngủ sâu, đầy đủ.
- Trước khi đi ngủ cần phải tránh uống quá nhiều cô ca hoặc cà phê.
- Buổi tối không nên ăn quá nhiều hay quá no.
- Không chơi trò chơi điện tử hay ngồi trước máy tính quá lâu.
- Giữ cho đầu óc được thoải mái, thư giãn.
- Bạn nên tắt bớt các thiết bị điện trước khi đi ngủ vì ánh đèn khiến cho bạn bị xao nhãng, khó tập trung để ngủ hơn.
- Việc tắm nước ấm hoặc nước lá thơm trước khi đi ngủ sẽ khiến cơ thể được thả lỏng hơn. Teens cũng có thể massage nhẹ nhàng cho mặt và cơ thể trước khi đi ngủ. Chơi thể thao hàng ngày cũng sẽ khiến cho teens dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
- Phòng ngủ sạch sẽ, ấm cúng, nhưng bộ quần áo ngủ rộng rãi và thoải mái cũng sẽ khiến cho bạn “khò khò” ngon hơn.
- Một điều đặc biệt lưu ý là các bạn cần phải ấn định giờ đi ngủ cụ thể cho mình việc đó khiến cho cơ thể bạn sẽ dần quen với việc đi ngủ sớm.
Cải thiện tình hình “ngủ nướng”
Để dậy sớm hơn, các bạn hãy áp dụng những cách dưới đây nhé! Nhớ là phải kiên trì thực hiện đều đặn thì mới có tác dụng đấy.
Thức dậy đúng giờ
Đi ngủ và thức dậy cùng một giờ nhất định hàng ngày. Cơ thể bạn thích sự bền vững. Bạn nên có giờ ngủ và giờ dậy cố định làm cho cơ thể dễ dàng thích nghi hơn để thức giấc vào buổi sáng và bạn cũng sẽ cảm thấy thư thái hơn.
Thức dậy với âm nhạc nhẹ nhàng
Việc phải thức dậy vì tiếng báo thức to của đồng hồ dễ làm bạn thấy khó chịu. Nó cũng có thể dẫn bạn tới nguy cơ đau tim. Bạn nên bỏ tiếng chuông chói tai và thay bằng âm thanh nhẹ nhàng và lớn dần vì cơ thể sẽ quen dần với tiếng động ấy.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Khi thức dậy, teens nên tập một vài động tác thể dục nhẹ nhàng giúp kéo giãn các cơ và để đánh thức cơ thể mình khỏi “chuyến choáng” của một giấc ngủ dài. Nếu bạn nào quá “mèo lười” thì cũng hãy cố gắng “khởi động” bằng cách “khua khoắng” chân tay nhé!
Tắm buổi sớm
Tắm thư giãn sẽ kích thích hệ thần kinh và giúp bạn cảm thấy tỉnh táo.
Ăn sáng
Sau một đêm, cơ thể bạn cần năng lượng để hoạt động. Bạn nên ăn sáng đều đặn cho dù chỉ là một chút hoa quả hay lát bánh mì, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi bắt tay vào việc sớm.
Cân bằng và phục hồi lượng nước cho cơ thể
Khi ngủ, cơ thể sử dụng lượng nước dự trữ trong cơ thể. Uống một vài cốc nước lạnh buổi sáng không chỉ tiếp sinh lưc cho cơ thể mà còn kích thích hệ thần kinh và tiêu hoá. Việc này giúp cơ thể bạn sẵn sàng để xử lý những cơn căng thẳng trong ngày.
Học cách thở sâu
Thức dậy sớm, đối với một vài bạn có thể là một mối băn khoăn lo lắng vì phải đối diện với nhiều chuyện. Lo lắng về bài vở hay đống mụn đáng ghét trên mặt cứ ám ảnh trong đầu .vv.. sẽ khiến bạn chẳng có động lực để dậy sơm. Vì thế càng sớm càng tốt sau khi thức dậy, hãy cho mình một khoảng thời gian ngắn để hít thở sâu và giúp cơ thể, tâm trí được thoải mái.
Kenh14